Hồi ở Cuba, khi hàng tiêu dùng “Made in Japan” đang “thống trị” thế giới, tôi thường được hỏi: “Anh có phải người Nhật?”. Câu hỏi đó làm lòng tôi buồn bã nhưng lại khơi mở giấc mơ, một ngày nào đó họ sẽ hỏi: “Anh là người Việt Nam?’’.
Những năm 80 của thế kỷ trước, dân Cuba và khắp thế giới đều mơ có một chiếc đồng hồ Nhật, một chiếc cassette nghe nhạc Nhật, một chiếc xe máy Nhật….
Trong những lúc ngồi uống cà phê ở cư xá sinh viên và nghe nhạc từ một chiếc cassette Nhật, những sinh viên chúng tôi nói mãi về nước Nhật và tưởng tượng ra một ngày Việt Nam sẽ làm ra những sản phẩm xuất hiện trên thế giới với nhãn hiệu “Made in Vietnam”.
Tiếc rằng, người Việt Nam đã đi quá chậm để với tới giấc mơ ấy.
Những năm gần đây, Chính phủ kêu gọi người dân: “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” hay “Dùng hàng Việt Nam là yêu nước’’. Nhưng vấn đề ở chỗ, để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam và tự hào về sản phẩm của chính người Việt làm ra thì người sản xuất phải làm ra những sản phẩm đẹp, chất lượng, giá cả phù hợp. Nếu người Việt Nam vì lòng yêu nước mà cứ phải dùng những mặt hàng kém chất lượng thì lòng yêu nước ấy không thể kéo dài. Và nếu những nhà sản xuất Việt Nam làm ra những sản phẩm xấu và kém thì họ là những người đầu tiên “hạ gục’’ lòng yêu nước của người tiêu dùng.
Năm 2003 ở Mỹ, tôi đi mua sắm với một giáo sư, nhà thơ Mỹ. Bỗng ông hét lên gọi tôi, và sung sướng giơ lên một chiếc áo khoác và hổn hển khoe: “Made in Vietnam, made in Vietnam!’’. Dạt dào xúc động, tôi đã mua ngay chiếc áo đó. Nhưng tôi không mặc được quá hai lần giặt, bởi nó trở nên nhăn nheo, tơi tả. Và nỗi thất vọng lại ùa vào tôi.
Thế rồi đến một ngày, một nhà báo nói với tôi về một tập đoàn. Chị nói thật hứng khởi và xúc động bởi theo chị đó là một tập đoàn sản xuất đa ngành với một khát khao lớn lao và bền bỉ hơn 20 năm nay để làm ra những sản phẩm “Made in Vietnam” thực sự ngang bằng với chất lượng của những sản phẩm đến từ các nước tiên tiến đặc biệt là Châu Âu. Đó là AMACCAO, một cái tên mà trước đó tôi chưa từng nghe tới. Với trí tò mò, tôi đã đến thăm một số cơ sở sản xuất của AMACCAO. Nếu không có lời giới thiệu trước, tôi sẽ nghĩ đó là những khu công nghiệp liên doanh mà những ông chủ lớn nước ngoài đầu tư, quản lý và điều hành chứ không thể tin toàn bộ các cơ sở sản xuất của tập đoàn AMACCAO là do chính những người Việt Nam bình dị và khiêm tốn dựng lên trong suốt hơn 20 năm qua.
Nhưng sự thật mãi mãi là sự minh chứng thuyết phục nhất.
Những sản phẩm của AMACCAO, tôi tìm hiểu mới biết, hiện diện khắp Việt Nam, trong những công trình khổng lồ trong nước mà nhân dân thuộc tên; từ đường sá, nhà xưởng, các dự án bất động sản cao cấp; chúng còn góp mặt cả ở những nước có nền công nghiệp tiên tiến. Một sự hiện diện khiêm nhường, nhưng lại được các đối tác – khách hàng ngợi ca (đánh giá) chân giá trị, của ống nhựa Europipe; thiết bị điện Vonta; Van, vòi ren đồng NoVo – Việt Tiệp; Rượu và nước đóng chai Avia, cống bê tông AMACCAO pipe, cọc bê tông AMACCAO pile, cấu kiện bê tông đúc sẵn AMACCAO PC, gạch bê tông AMACCAO Bricks, bao bì nhựa Bona, cột, dầm, sàn, bê tông sợi thủy tinh GRC…
Chúng ta có không ít những tập đoàn rất hoành tráng. Nhưng chúng ta đâu biết rằng đứng sau một cái tên có vẻ rất “Việt’’ ấy là toàn bộ bàn tay của các tập đoàn nước ngoài. Tôi được biết, bàn tay đầy quyền lực của những tập đoàn càng ngày càng vươn dài vào Việt Nam. Khởi đầu, sự hiện diện của các tập đoàn nước ngoài ở Việt Nam có thể có tác dụng kích cầu cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Chúng ta tranh thủ chớp lấy cơ hội này để thu hút nguồn vốn, chuyển giao công nghệ và học hỏi tư duy quản lý. Nhưng rồi, chúng ta dần trở thành những “kẻ làm thuê sang trọng’’. Và một người làm thuê hay một quốc gia làm thuê dù “sang trọng’’ đến đâu cũng không bao giờ trở thành chủ nhân của mình. Chính điều đó, tôi càng khâm phục khát vọng và ý chí của AMACCAO hay của bất cứ người Việt Nam nào khi dám dấn thân với một khát vọng chân chính, một ý chí phi thường và lòng tự tin mãnh liệt.
Nhưng AMACCAO đã im lặng trong hơn 20 năm nay mà không muốn nói về mình. Tôi thực sự tò mò và gợn lên một chút ngờ vực về chuyện ấy trước khi chứng kiến những gì AMACCAO đã và đang làm. Những “ông chủ’’ của AMACCAO tâm sự rằng “không muốn ầm ĩ”; họ không muốn xã hội hiểu sai rằng họ đang đánh bóng tên tuổi. Điều quan trọng nhất với họ là làm ra những sản phẩm “Made in Vietnam” đích thực để phát triển đất nước chứ không thể trông đợi vào một con đường nào khác.
Tôi đã nói với AMACCAO rằng: “Một vẻ đẹp hay một lòng tốt mà chỉ cho ít người biết đến thì chỉ là một vẻ đẹp, một lòng tốt “hạn hẹp’’ và có thể có phần ích kỷ trong chính sự khiêm tốn quá mức đó”. AMACCAO phải cất tiếng về mình với tiếng nói trung thực và trách nhiệm. Nếu họ không muốn nói thì những lương tâm công bằng phải nói về họ. Bởi Quảng cáo một sản phẩm và Quảng bá một giấc mơ và những hành động thực sự cho giấc mơ ấy; nghe qua tưởng giống nhau, nhưng khác nhau rất nhiều về bản chất.
Ống nhựa EUROPIPE – sản phẩm của Việt Nam tự tin cạnh tranh hàng nhập ngoại.
Có một lần ngồi ăn tối cùng với những người bạn Mỹ trong nhà một người bạn Việt Nam của tôi. Món Kim Chi vừa được dọn ra, tất cả cùng reo lên: “Hàn Quốc!’’. Ôi, chỉ một món “dưa muối’’ thôi đã định danh cho một quốc gia. Thế mà, chúng ta, đã đi qua chiến tranh gần nửa thế kỷ, chúng ta hình như vẫn chưa tìm được bao nhiêu những sản phẩm thực sự định danh quốc gia mình! Nên, tôi đành tạm dùng câu chuyện về món “dưa muối’’ của một quốc gia khác để kêu gọi những người Việt Nam tài giỏi và yêu đất nước mình hãy làm ra một thứ gì đó để góp phần định danh Việt Nam.
Và lúc này, có một ví dụ xuất sắc và tràn ngập lòng tin về khát vọng người Việt Nam làm ra những sản phẩm mà thế giới biết đến mang tên “Made in Vietnam”. Ví dụ ấy chính là AMACCAO và một số rất ít những tập đoàn khác đã và đang từng bước định danh quốc gia mình. Những tập đoàn đó, mà AMACCAO là một ví dụ lớn, đang nỗ lực không ngừng để thực thi một giấc mơ vừa bình dị vừa lớn lao cho đất nước.
Hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã định danh dân tộc Việt Nam trong lịch sử của mình và lịch sử nhân loại về lòng yêu nước, yêu độc lập và tự do. Nhưng giờ đây, chúng ta phải tìm ra những định danh mới, giúp minh chứng giá trị của con người Việt Nam trong một thời đại hoàn toàn mới của nhân loại. Và AMACCAO là một trong những người đang thực thi một giấc mơ của người Việt.
Khẩu hiệu của AMACCAO là: ‘’AMACCAO – nỗ lực không ngừng’’. Không một ngày dừng lại để thỏa mãn hay kiêu ngạo về những gì đã làm được. Họ luôn tâm niệm rằng: “Dừng lại” nghĩa là “Đã ở lại phía sau”. Một dòng sông, nếu ngừng chảy một ngày thì dòng sông coi như đã chết’. Tôi đã quan sát, đã tìm hiểu và đã trò chuyện với lãnh đạo của tập đoàn AMACCAO và tôi nhận thấy rằng: họ luôn trăn trở rằng những gì họ làm được còn quá khiêm nhường so với những tên tuổi lớn cũng vì thương hiệu Việt như Vingroup, Viettel, Vicostone…Đấy cũng chính là một lý do khiến AMACCAO khiêm nhường và lặng lẽ phấn đấu không ngưng nghỉ. Đấy cũng là lý do vì sao sản phẩm của AMACCAO mỗi ngày một chiếm được lòng tin của các đối tác và người tiêu dùng trong nước và trên thế giới.
Để có những thương hiệu như LG, Philip, Siemens, Schneider…tôi thiết nghĩ phải mất hàng trăm năm. Vì thế, đối với các tập đoàn mới chỉ có vài chục năm tuổi như AMACCAO thì đương nhiên còn những khiếm khuyết. Nhưng với tinh thần cầu thị, với sự khiêm nhường và với khát vọng lớn lao của lãnh đạo tập đoàn AMACCAO, thì thời gian để tạo ra được những thương hiệu như vậy sẽ đến nhanh hơn và hiện thực đã chứng minh điều đó.
Vì sản phẩm AMACCAO chưa từng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên chúng tôi sẽ lần lượt dẫn bạn vào thế giới của AMACCAO với sự trung thực và công bằng nhất.
Bạn hãy dành thời gian ít hơn thời gian uống một cốc cà phê để đọc những gì chúng tôi viết về AMACCAO để biết rằng: những sản phẩm của tập đoàn này làm ra không đơn thuần chỉ là một thứ hàng hóa mà nó chứa đựng trong đó khát vọng và ý chí của một con người hay của một cộng đồng. Và điều lớn lao hơn nữa là trong những sản phẩm tưởng như chỉ là một thứ hàng hóa nhưng lại chứa cả một tinh thần việt, lòng tự trọng Việt và niềm kiêu hãnh Việt. Đấy chính là điều tất cả những ai mang dòng máu Việt đều mơ tới. Và đấy cũng chính là lý do tôi cất tiếng nói về họ: AMACCAO.
Nguyễn Quang Thiều- VietnamNet
Nguyễn Quang Thiều (sinh năm 1957) là một nhà thơ hiện đại của Việt Nam. Ngoài lĩnh vực chính thơ ca tạo nên tên tuổi Nguyễn Quang Thiều, ông còn là một nhà văn nổi tiếng (thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký), một nhà báo – người sáng lập, cố vấn nội dung và cây viết tại nhiều tòa soạn báo. Các tác phẩm chính: Thơ: Ngôi nhà tuổi 17 (1990), Sự mất ngủ của lửa (1992), Những người đàn bà gánh nước sông (1995), Châu thổ (2010)… Văn: Mùa hoa cải bên sông (1989), Cái chết của bầy mối (1991), Người đàn bà tóc trắng (1993), Đứa con của hai dòng họ (1996), Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều (1998), Người nhìn thấy trăng thật (2003), Trong ngôi nhà của mẹ (2016)… Nguyễn Quang Thiều hiện là Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; Phó Tổng thư ký thứ Nhất Hội Nhà văn Á – Phi. |